BĐS - Những Con Đường Đầu Tư: tháng 10 2017

Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2017

Metro số 1 ‘hắt hơi’, thị trường bất động sản khu Đông liệu có 'bạo bệnh'?

(BĐS - Những Con Đường Đầu Tư) - Tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên từng là đòn bẩy kích hoạt sự bùng nổ của thị trường bất động sản khu Đông TP HCM. Dự án căn hộ mọc lên như nấm sau mưa, thanh khoản vượt trội. Tuy nhiên, thị trường có dấu hiệu chững lại theo quá trình đình đốn của Metro. Với thông tin tuyến Metro số 1 có thể dừng lại vào năm 2018, bất động sản khu vực này sẽ ảnh hưởng như thế nào?





Metro số 1 ‘hắt hơi’, thị trường bất động sản khu Đông liệu có 'bạo bệnh'?

Thông tin tuyến Metro số 1 có thể tạm dừng vào năm 2018 có thể gây tác động tâm lý lên thị trường bất động sản khu Đông

Hiệu ứng tâm lý

Metro Bến Thành – Suối Tiên được công bố quy hoạch vào đúng điểm sôi của thị trường địa ốc khu Đông TP.HCM. Cú “tích hợp” này khiến các dự án dọc tuyến Metro mọc lên nhan nhản, giá tăng vùn vụt. Theo thống kê của CBRE, dọc trục xương sống Metro có khoảng 40 dự án lớn nhỏ. Giá trị bất động sản tăng gần 20%. Tại thị trường quận 2 TP.HCM, trung điểm của tuyến Metro, Giá chào bán của các dự án căn hộ cao cấp từ mức trung bình 1.490 USD/m2 đã nhích lên 1.650 USD hiện nay, tăng 11%, so với mức tăng 3% trên toàn thành phố.
“Tuyến tàu điện ngầm đầu tiên dự kiến hoạt động vào năm 2020 sẽ khiến thị trường bất động sản đổi thay ngoạn mục hơn” - ông Marc Townsend, Tổng giám đốc điều hành của CBRE Việt Nam dự báo. Giá đất tăng, các dự án bất động sản bùng nổ, các đơn vị bán lẻ và dự án văn phòng được dịch chuyển ra xa trung tâm hơn. Ở một số quốc gia, giá bán có thể biến động tăng đến 45%.

Nhiều dự án bất động sản tại khu Đông TP HCM hưởng lợi từ việc đấu nối với Metro số 1

Tuy nhiên, sau một thời gian sôi động, những dự đoán “màu hồng” đã không còn sát với thực tế khi tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên từng có dấu hiệu chững lại khi có thông tin tuyến đội vốn và trễ hạn. Những dự án ăn theo Metro chủ đầu tư không tiềm lực bị đình đốn và chuyển nhượng khá nhiều. Niềm tin của người mua, nhất là nhà đầu tư lướt sóng có vẻ lung lay.
Thông tin Metro số 1 có thể tạm dừng từ năm 2018 có vẻ như đang tạo thêm một “gáo nước lạnh” vào niềm tin của thị trường. “Nếu Metro số 1 thực sự tạm dừng, sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý người mua nhà. Người dân đã chờ đợi tuyến Metro quá lâu rồi”- Phó Tổng giám đốc một doanh nghiệp địa ốc hàng đầu TP HCM nói. Sở dĩ Metro kích thích thị trường bất động sản khu Đông là vì dự án này sẽ tạo nên một giải pháp giao thông mới cho khu vực kẹt xe và ngập nước trầm kha. Nếu tạm dừng Metro số 1, không chỉ riêng thị trường bất động sản mà cả kinh tế xã hội cũng bị ảnh hưởng.

Khu Đông sẽ không “vỡ trận”

“Metro số 1 có thể tạm dừng là một thông tin không tích cực ở thời điểm này của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, tác động của nó lên thị trường địa ốc khu Đông là không quá lớn”- ông Nguyễn Huy Vũ, CEO Bản Việt Land nhận định. Khu Đông là một thị trường sôi động trước khi có quy hoạch Metro nhờ vị thế riêng. Hạ tầng toàn khu phát triển nhanh chóng cũng là một yếu tố thúc đẩy thị trường, trong đó Metro chỉ là yếu tố “cộng thêm”.
Theo ông Vũ, tỷ lệ các dự án tạo thanh khoản bằng cách “nương” vào giá trị của tuyến Metro số 1 chiếm tỷ lệ thấp so với tổng nguồn cung của thị trường khu Đông. Vì vậy, giá trị thặng dự của toàn khu vực có thể bị ảnh hưởng nhưng không nhiều. “Ảnh hưởng lớn nhất sẽ là các nhà đầu tư cá nhân với áp lực thoát hàng để giải quyết dòng tiền ngắn hạn. Tuy nhiên, tỷ lệ “lướt sóng” tại khu Đông không quá nhiều, vào khoảng 15-20%. Thị trường khu vực này phát triển khá bền vững vì dựa trên nhu cầu thực”- ông Vũ nói.

Theo các chuyên gia đầu ngành, thị trường địa ốc khu Đông không bị ảnh hưởng nhiều từ các thông tin bất lợi của tuyến Metro số 1

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) ông Lê Hoàng Châu cho rằng, khi nhà đầu tư thứ cấp gặp áp lực thoát hàng, nguồn cung căn hộ tại khu vực này sẽ thêm phong phú và sẽ tạo thêm cơ hội cho người mua ở thực. Ông Châu cũng cho rằng, tác động của tuyến Metro số 1 lên khu Đông không quá lớn vì tuyến này không chạy qua khu vực đông dân cư. Sự đình trệ của tuyến đường sắt này sẽ tác động cục bộ vào một số khu vực như ga Bình Thái, ga Rạch Chiếc. Cộng với thông tin Đồng Nai, Bình Dương muốn kéo dài tuyến này đến địa phận các tỉnh này vẫn chưa thành hiện thực. 
“Sự chậm trễ của Metro số 1 là yếu tố bất khả kháng đối với thị trường bất động sản. Các chủ đầu tư dự án và người mua không quá sốc với thông tin này. Do đó, rất khó có hiệu ứng đổ vỡ đối với thị trường đầy tiềm năng này”- ông Châu khẳng định.
Ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch HĐQT LDG Group cũng cho rằng, tuyến Metro số 1 không có vai trò dẫn dắt thị trường bất động sản khu Đông. Vì hạ tầng toàn khu đã phát triển tốt và hoàn thiện từng ngày. Bản thân Metro cũng song song với Xa Lộ Hà Nội, đây mới là “trục xương sống” chính của khu vực. Các dự án “neo” dọc Metro số 1 thực chất đã thừa hưởng lợi thế từ tuyến đường này. Đối với dự án thương mại thì Metro không quyết định lớn đến lượng khách. “Hạ tầng xã hội và các tiện ích toàn khu Đông cũng đang phát triển rất tốt, kích thích thị trường bất động sản. Metro là một dự án lớn nhưng nếu nói dự án này chậm gây ảnh hưởng đến toàn khu thì không thực tế”- ông Hưng khẳng định. 
“Người dân TP HCM đều lưu giữ niềm tin Metro số 1 không lỗi hẹn. Theo lý giải của Ban quản lý dự án đường sắt đô thị TP.HCM thực tế là không thiếu vốn. Vấn đề là đối tác Nhật Bản làm rất tốt, chỉ khúc mắc ở phía chúng ta. Mong rằng các đơn vị thẩm quyền sớm có giải pháp để duy trì tiến độ của dự án. Metro số 1 không thể lỡ hẹn vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc ổn định vĩ mô”- Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu.

Thứ Năm, 26 tháng 10, 2017

TP HCM tiếp tục ứng gần 1.200 tỷ đồng 'cứu' tuyến metro số 1


Để thanh toán cho nhà thầu thi công tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, TP HCM lần thứ ba phải ứng tiền từ ngân sách thành phố.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong vừa đồng ý tạm ứng gần 1.200 tỷ đồng ngân sách để trả nợ nhà thầu metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, trong khi chờ bổ sung kế hoạch vốn ODA từ Trung ương.
Người đứng đầu chính quyền thành phố giao Sở Tài chính phối hợp với các cơ quan, thu xếp vốn để đáp ứng cho dự án. Đây là lần thứ 3 TP HCM phải tạm ứng ngân sách "cứu" dự án tuyến metro đầu tiên, để tiến độ thi công được đảm bảo đúng kế hoạch.
Động thái này được đưa ra sau nửa tháng Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM gửi văn bản khẩn, đề nghị UBND TP HCM tạm ứng 1.173 tỷ đồng từ ngân sách thành phố để thanh toán cho nhà thầu thi công tuyến metro số 1. Trong đó, 600 tỷ đồng lẽ ra phải trả trong tháng 9.


TP HCM tiếp tục ứng gần 1.200 tỷ đồng để thanh toán cho các nhà thầu thi công tuyến metro số 1. Ảnh: Quỳnh Trần
Theo Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Lê Nguyễn Minh Quang, năm ngoái thành phố đã tạm ứng 600 tỷ đồng để trả nợ, sau đó phần giải ngân vốn ODA cho metro số 1 tiếp tục bị đóng băng trong thời gian dài. Hồi tháng 8, lần thứ hai thành phố tạm ứng 500 tỷ đồng.
Việc thiếu vốn làm metro Sài Gòn liên tục được đề cập trong các cuộc họp của UBND TP HCM. Tình trạng "giật gấu vá vai" của dự án tỷ USD này được thành phố gửi hàng loạt văn bản đến các bộ, ngành nhưng không có chuyển biến.
Số liệu của Ban quản lý đường sắt đô thị cho thấy, hiện vốn ODA cho metro số 1 chỉ đáp ứng 36% nhu cầu dự án. Năm nay cần khoảng 5.400 tỷ đồng nhưng mới giải ngân được hơn 2.100 tỷ. Trong kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 Trung ương phải giải ngân gần 21.000 tỷ đồng, song thành phố mới nhận được 7.500 tỷ - tức còn thiếu hơn 13.400 tỷ.
Dù cuối tháng 8 Thủ tướng đã ban hành quyết định về việc giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2017 (đợt 3) nhưng TP HCM vẫn chưa được nhận. Bên cạnh đó, việc hướng dẫn điều chỉnh tổng mức đầu tư và tạm ứng nguồn vốn ODA cho dự án cũng chưa chuyển biến.
Nguyên nhân bắt nguồn từ "điểm nghẽn" chậm giải ngân vốn đầu tư công. TP HCM đã kiến nghị Thủ tướng áp dụng quy định đối với các dự án ODA quan trọng, nếu phát sinh phải điều chỉnh thì Thủ tướng có thẩm quyền phê duyệt, không phải trình Quốc hội. Thủ tướng chỉ thực hiện báo cáo Quốc hội tại phiên họp cuối năm để Quốc hội giám sát, theo dõi.
Theo Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Thanh Liêm, nếu quy định này được áp dụng thì "điểm nghẽn" về vốn đầu tư công cho metro số 1 và nhiều công trình trọng điểm của thành phố sẽ được giải quyết toàn diện.
Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên có tổng vốn 2,49 tỷ USD (hơn 47.000 tỷ đồng) được khởi công tháng 8/2012.
Dài gần 20 km, tuyến đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Trong đó 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga). Công trình dự kiến đưa vào khai thác năm 2020.
Hôm 24/10, Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM cùng nhà thầu Hitachi (Nhật Bản) đã khởi công lắp đường ray của tuyến metro số 1, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2018.

Thứ Tư, 18 tháng 10, 2017

Update Mới Nhất Tháng 10/2017 FB Của Bác Zu




1. Facebook thử nghiệm status tự hủy

Status có độ dài tối đa 101 ký tự, tự hủy sau một thời gian định sẵn sắp xuất hiện trên Facebook. Công ty xác nhận bắt đầu thử nghiệm từ tuần này.


Người phát ngôn Facebook xác nhận với BuzzFeed News rằng mạng xã hội đang thử nghiệm “status tạm thời”, cho phép người dùng đăng các cập nhật trạng thái có độ dài tối đa 101 ký tự. Tính năng có mặt từ cuối tuần trước, gợi nhớ đến những ngày đầu của Facebook, khi News Feed ngập tràn các cập nhật trạng thái thay vì video, link và quảng cáo như ngày nay.


Tất cả status của Facebook đều bắt đầu bằng “is” (đang), chẳng hạn “tôi đang làm gì đó”. Facebook cho biết cập nhật này giúp bạn bè biết được người dùng đang làm gì hay cảm thấy gì vào khoảnh khắc đăng bài. Họ có thể định thời gian hết hạn cho status và chọn có cho xuất hiện trên News Feed hay chỉ trên trang cá nhân của mình.
Năm 2016, Facebook nỗ lực để giải quyết vấn đề “chia sẻ nội dung gốc” sau khi phát hiện mọi người ngày càng đăng ít hơn trên nền tảng. Sự ra mắt của Facebook Live và sau đó là tính năng Ngày của tôi nhái Snapchat Stories phần nào khắc phục điều đó nhưng sản phẩm chính của công ty vẫn chưa bao giờ lấy lại được cảm giác thú vị như thủa sơ khai. Tính năng status tự hủy có thể là một bước nhỏ trong hành trình này của Facebook.

2. Facebook thử nghiệm tính năng Resume/CV, trực tiếp cạnh tranh với LinkedIn

Có vẻ như Facebook đang có ý đồ muốn trở thành bá chủ thống trị tất cả các mạng xã hội.

Hồi đầu năm nay, mạng xã hội công việc LinkedIn đã thay đổi thiết kế của trang web để giúp người sử dụng có thể dễ dàng sử dụng hơn. Tuy nhiên có vẻ như Facebook cũng đang chú ý đến LinkedIn và có ý đồ muốn cạnh tranh trực tiếp với mạng xã hội này.
Cụ thể là ông lớn Facebook đang thử nghiệm tính năng mới là Resume/CV, cho phép người sử dụng chia sẻ kinh nghiệm làm việc của mình với bạn bè. Tính năng mới này được mở rộng từ mục “Công việc và học tập” ở trên Facebook. Trong đó, bảng Resume sẽ cho phép bạn liệt kê chi tiết hơn về những công việc mình đã từng làm, cũng như trình độ và chuyên môn của bản thân.
Về cơ bản thì giao diện Resume mới của Facebook trông như thế này:


Cũng giống như LinkedIn, những người đã từng làm việc ở nhiều cơ quan khác nhau có thể đánh dấu nơi công tác hiện tại, thông qua việc chọn mục “Tôi đang làm việc ở đây.”
Tuy nhiên, những thông tin chi tiết hiển thị trong mục Resume sẽ không xuất hiện ở Public Profile của người sử dụng, mà có vẻ sẽ chỉ hiện ra khi họ trực tiếp chia sẻ; hoặc là thông tin mà chỉ có những nhà tuyển dụng mới có thể thấy.
Theo đại diện của Facebook thì: “Ở Facebook chúng tôi luôn phát triển và thử nghiệm những sản phẩm và dịch vụ mới. Hiện tại chúng tôi đang thử nghiệm tính năng về lịch sử làm việc của người sử dụng, để từ đó giúp mọi người có thể tìm kiếm công việc/tuyển dụng được dễ dàng hơn nhờ Facebook.”

3. Foody, Lozi sẽ lo ngay ngáy khi biết Facebook vừa ra mắt tính năng cực kì cạnh tranh này

Facebook vừa chính thức công bố tính năng mới, cho phép người dùng ở Mỹ có thể gọi đồ ăn online từ các nhà hàng địa phương thông qua tính năng “Order Food”.

Thay vì cạnh tranh trực tiếp với các dịch vụ gọi đồ ăn khác, Facebook đang nỗ lực hợp tác với một số nhà cung cấp dịch vụ giao hàng như: EatStreet, Delivery.com, DoorDash, ChowNow, Olo, Zuppler và Slice. Họ cũng bắt tay với các chuỗi nhà hàng như Jack in the Box, Five Guys, Papa John’s, Wingstop, TGI Friday, Denny, El Pollo Loco, Chipotle, Jimmy John và Panera.
Người dùng có thể tìm thấy tùy chọn mới “Order Food” trong menu Explore trên ứng dụng Facebook, sau khi lựa chọn xong tên nhà hàng người dùng bấm chọn “Start Order” khi muốn gọi món. Khách hàng có thể lựa chọn đặt chỗ tại nhà hàng hoặc giao hàng tận nhà.


Nếu đã có tài khoản Delivery.com, chỉ cần đăng nhập bằng tài khoản đó. Nếu chưa, khách hàng có thể đăng kí tài khoản mới ngay trong ứng dụng Facebook. Ngoài ra, người dùng còn có thể đọc được các nhận xét, đánh giá của bạn bè về các nhà hàng để giúp họ đưa ra được quyết đinh chính xác hơn.
Facebook đã phát triển mối quan hệ với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh trong thời gian qua. Năm ngoái, Facebook từng hợp tác với Delivery.com và Slice, khi cho phép người dùng có thể gọi đồ ăn từ các nhà hàng thông qua fanpage của họ trên Facebook.


Trên thực tế, hồi đầu năm Facebook đã bắt đầu cho chạy thử nghiệm tính năng “Order Food” giúp người dùng có thể gọi món và không cần thoát khỏi mạng xã hội này. Tuy nhiên vào thời điểm đó, họ chỉ tung ra ứng dụng mới và không có bất kỳ một phản hồi nào về việc tính năng mới này sẽ tồn tại trong bao lâu, hoặc tỷ lệ người dùng Facebook sử dụng nó như thế nào.
Cho tới hiện tại, Facebook mới chính thức xác nhận chức năng gọi món mới “Order Food” sẽ được tung ra trên thị trường Mỹ cho tất cả người dùng iOS, Android và máy tính để bàn.
Tính năng “Order Food” là một nỗ lực của Facebook nhằm giữ chân người dùng lâu hơn thay vì họ phải thoát ra khỏi mạng xã hội này và truy cập các ứng dụng khác nếu muốn gọi đồ ăn. Toàn bộ quá trình gọi món sẽ được thực hiện trực tiếp trên Facebook, bao gồm nhập địa chỉ, chọn hình thức thanh toán và trả tiền.
Ngoài ra, Facebook còn thêm một số tính năng khác để thu hút thêm người dùng dự báo thời tiết, game, gọi vốn, danh sách phim ảnh, đặt lịch hẹn…
Tuy nhiên, “Oder Food” không mang đến doanh thu trực tiếp cho Facebook. Công ty này thừa nhận không thu phí hay chia sẻ bất kì lợi nhuận nào từ các đơn hàng đặt qua ứng dụng.
--- Theo NEXTWED ---

Thứ Bảy, 14 tháng 10, 2017

Nguy cơ tạm dừng dự án Metro số 1 TP.HCM: Hậu quả khôn lường!

TTO - "Nếu bất khả kháng, chúng ta phải tạm dừng dự án metro số 1 TP.HCM (đoạn Bến Thành - Suối Tiên) từ đầu năm 2018 thì hậu quả sẽ không lường hết được".

Nguy cơ tạm dừng dự án Metro số 1 TP.HCM: Hậu quả khôn lường! - Ảnh 1.
Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (đoạn đi qua quận Bình Thạnh hướng về trung tâm thành phố) - Ảnh: HỮU KHOA
Ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình trạng tắc vốn cho dự án metro số 1 TP.HCM (đoạn Bến Thành - Suối Tiên), Tuổi Trẻ đã gặp trưởng Ban quản lý dự án đường sắt đô thị TP.HCM Lê Nguyễn Minh Quang.
Ông Quang cho biết: "Năm 2006, Thủ tướng đã thông qua báo cáo đầu tư xây dựng dự án do Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải - GTVT) làm chủ đầu tư. 
Đơn vị được giao lập dự án đầu tư là Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam (Tedi-South). 
Thời điểm này, Việt Nam chưa làm tuyến metro nào, đơn vị tư vấn lập dự án cũng chưa có kinh nghiệm thực tiễn. Tổng mức đầu tư dự án được lập là 17.000 tỉ đồng.
Cuối năm 2006, Thủ tướng giao dự án về cho TP.HCM. Sau khi tổng mức đầu tư 17.000 tỉ đồng được duyệt, chúng ta đã ký hiệp định vay số 1 với phía Nhật Bản vào năm 2007".


Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên


TP.HCM đã nhiều lần báo cáo
* Lý do mấu chốt được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày là tổng mức đầu tư đội lên quá cao (từ 17.000 tỉ đồng lên hơn 47.000 tỉ đồng), dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, trong khi Chủ tịch Quốc hội cho biết đến nay vẫn chưa nhận được báo cáo, tờ trình. Tại sao vậy, thưa ông?
- Tôi xin giải thích rõ thế này: Dự án metro số 1 với tổng mức đầu tư như trên, sau khi xin ý kiến các bộ, được Thủ tướng cho phép thực hiện các bước triển khai.
Từ tháng 1-2008, đơn vị tư vấn trúng thầu là liên danh NJPT (gồm các công ty tư vấn Nhật Bản, đứng đầu là Công ty Nippon Koei - đơn vị có kinh nghiệm trong thiết kế, tư vấn lĩnh vực giao thông vận tải). 
NJPT đã nghiên cứu và khẳng định các thiết kế ban đầu như nhà ga, số lượng các đoàn tàu, an toàn... là chưa phù hợp. Sau đó, NJPT thiết kế lại và đề xuất tổng mức đầu tư là 47.000 tỉ đồng.
Để đảm bảo thận trọng, chúng ta đã mời các công ty của Singapore (Công ty Singapore Mass Rapid Transit và Công ty CPG) thẩm tra độc lập và kết luận tổng mức đầu tư là phù hợp. Sau đó, Cơ quan Hợp tác Nhật Bản (JICA) cam kết sẽ xem xét việc tăng vốn ODA cho dự án.
Năm 2010, TP.HCM đã có báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng đã cho lấy ý kiến các bộ: GTVT, Tài chính, Kế hoạch và đầu tư. Kết quả các bộ đều đồng thuận. 
Trên cơ sở đó, ngày 25-8-2011, Thủ tướng Chính phủ có công văn đồng ý để UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh dự án và triển khai các bước tiếp theo. 
Ngày 21-9-2011, UBND TP.HCM đã ra quyết định số 4480 phê duyệt tổng mức đầu tư dự án này, con số là 47.000 tỉ đồng.
Nguy cơ tạm dừng dự án Metro số 1 TP.HCM: Hậu quả khôn lường! - Ảnh 4.
Metro đoạn từ ngã tư Thủ Đức tới Suối Tiên - Ảnh: THUẬN THẮNG
Vì vậy, ý kiến cho rằng TP đề nghị tăng vốn nhưng chưa ai phê duyệt là chưa chính xác.
Khi Quốc hội ban hành nghị quyết số 49 về đầu tư công, cho rằng với tổng mức đầu tư được điều chỉnh như trên, dự án này phải được Quốc hội xem xét. 
Do đó, tại cuộc làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với tập thể lãnh đạo TP.HCM ngày 23-6-2017, UBND TP.HCM mới kiến nghị Thủ tướng cho ý kiến - do Chính phủ mới có thẩm quyền trình ra Quốc hội. 
Về phần mình, hằng năm UBND TP.HCM đều có báo cáo với Bộ GTVT và Bộ GTVT thừa ủy quyền của Thủ tướng, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về dự án.
Chúng tôi xin khẳng định rằng đây là dự án trọng điểm về cơ sở hạ tầng giao thông, hết sức quan trọng với sự phát triển của TP.HCM, TP đã nhiều lần báo cáo, kiến nghị chứ không phải thiếu trách nhiệm. 
Bây giờ trình Quốc hội là thẩm quyền của Chính phủ. Vì vậy, chúng tôi hết sức tha thiết đề nghị các cơ quan tham mưu của Chính phủ, đặc biệt là các bộ: Kế hoạch và đầu tư, GTVT có hành động kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho dự án.
Nguy cơ tạm dừng dự án Metro số 1 TP.HCM: Hậu quả khôn lường! - Ảnh 5.
Một đoạn hầm tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên được robot TBM khoan thành công tại nhà ga Ba Son, Q.1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Hệ lụy không thể hình dung được
* Như vậy, vấn đề của dự án không phải là thiếu tiền, mà là thủ tục chi tiền?
- Đúng vậy. Ai đó nói rằng dự án chưa có vốn là không đúng. Bởi khi Thủ tướng đã đồng ý về chủ trương, UBND TP.HCM phê duyệt tổng mức đầu tư dự án thì mới có đủ cơ sở đàm phán hiệp định vay vốn ODA.
Tính đến thời điểm này, chúng ta đã ký kết hiệp định vay số 1 vào năm 2007 (sau khi tổng mức đầu tư 17.000 tỉ đồng được duyệt), hiệp định vay số 2 vào năm 2012 và hiệp định vay số 3 vào năm 2016 (sau khi tổng mức đầu tư 47.000 tỉ đồng được duyệt), tổng số vốn cho dự án mà chúng ta đã đàm phán và ký các hiệp định vay với phía Nhật là 155 tỉ yen, tương đương 31.000 tỉ đồng.
Chính JICA khi làm việc với chúng tôi, họ than phiền vốn thì phía Nhật đã thu xếp xong rồi, tại sao VN cứ trả lời là do thủ tục này nọ nên không thể giải ngân được, trong khi nhà thầu dọa dừng thi công bởi chúng ta chưa có tiền trả họ. Khối lượng công việc của dự án đến nay đã thực hiện khoảng 40% rồi.
Mong muốn lớn nhất của TP.HCM là kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét, bởi dự án chậm ngày nào là gây ra thiệt hại nhiều mặt và ảnh hưởng rất lớn.
Trong khi chờ thủ tục trình ra Quốc hội, TP đề nghị Thủ tướng cho phép ứng trước số vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa kịp giải ngân năm 2017 để trả nợ cho các nhà thầu. 
Tại cuộc làm việc với lãnh đạo TP.HCM, Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và đầu tư báo cáo Thủ tướng trước ngày 30-7 nhưng đến thời điểm này, theo tôi được biết, bộ vẫn chưa báo cáo Thủ tướng.
Nguy cơ tạm dừng dự án Metro số 1 TP.HCM: Hậu quả khôn lường! - Ảnh 6.
Công trường gói thầu 1a dài 747m từ chợ Bến Thành tới Nhà hát thành phố hiện đã thi công đạt 13,5% khối lượng - Ảnh: THUẬN THẮNG
* Xin ông nói rõ các hệ lụy gây ra bởi tình trạng tắc vốn của dự án này?
- Thứ nhất, đến thời điểm này, đồng loạt các nhà thầu Nhật Bản đã có thông báo với chúng tôi là họ sẽ giãn tiến độ, thậm chí có nhà thầu đã đặt vấn đề xem xét việc tố tụng. Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch hoàn thành dự án vào năm 2020. 
Nếu không hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đúng kế hoạch sẽ ảnh hưởng rất lớn tới quyết định đầu tư và tiến độ đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.
Thứ hai, phía Nhật Bản nhiều lần đề nghị chúng ta, cả với UBND TP và với Chính phủ, là cần tôn trọng các hiệp định vay vốn và tiến độ giải ngân vốn vay. 
Bởi điều này liên quan đến kế hoạch thu xếp vốn của nhà tài trợ, không chỉ với riêng metro số 1 mà còn đối với các tuyến khác nữa. Có nghĩa là sự chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản.
Thứ ba, nếu các nhà thầu giãn tiến độ thì họ sẽ rút nhân lực, thiết bị tới các dự án trong khu vực mà họ đang triển khai ở Singapore, Malaysia, Indonesia...
Với những hệ lụy như vậy, một lần nữa chúng tôi hết sức tha thiết đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét càng sớm càng tốt. Nếu bất khả kháng, chúng ta phải tạm dừng dự án từ đầu năm 2018 thì hậu quả sẽ không lường hết được.
Nguy cơ tạm dừng dự án Metro số 1 TP.HCM: Hậu quả khôn lường! - Ảnh 7.


Thứ Năm, 12 tháng 10, 2017

Sau 120 Đêm "ăn nằm" cùng Airbnb

Cho thuê căn hộ hay bất kỳ lĩnh vực nào, lắng nghe kinh nghiệm từ những người đi trước luôn là cách tốt nhất để phát triển bản thân cũng như tăng thêm thu nhập đáng kể.
Greg Muender, một trong những người đồng sáng lập Whttl, tiền thân của chatbot Fatberry, đồng thời là một cây viết nổi tiếng trên Medium, đã từng có thời gian phải cho thuê nhà để trang trải chi phí. Tuy nhiên, cũng nhờ vậy mà anh hiểu được thêm nhiều khía cạnh rất khác của những du khách.
Nhớ lại giai đoạn Muender cùng cả nhóm startup thức khuya dậy sớm với Whttl, anh và vợ đã quyết định phải cắt giảm chi tiêu. Những khoản tiền cho nhu cầu cá nhân như mua sắm quần áo, phí thành viên tập gym... đều phải tiết kiệm.
Cả hai cũng nghĩ tới một số cách để kiếm thêm thu nhập trong khi chờ Whttl hoàn thành. Muender đã đăng ký thành tài xế Lyft (một hình thức giống Uber hay Grab). Tuy nhiên bấy nhiêu vẫn không đủ, anh đã quyết định rằng không thể để căn hộ của mình phí phạm như vậy.
Không quá ngạc nhiên khi Muender chọn Airbnb làm nơi để bắt đầu cho thuê căn hộ. Cùng nghe anh chia sẻ về 120 đêm đầu tiên trở thành một host Airbnb sẽ như thế nào.
Người lạ ở cùng mình trong nhà có phải là vấn đề kỳ quặc?
Ồ, nó không khó khăn như mọi người nghĩ đâu. Khi còn ở San Francisco, chúng tôi đã từng cho thuê... ghế sofa ở phòng khách cơ. Ban đầu thì tình hình cũng hơi khó xử khi bỗng nhiên phải chia sẻ sự riêng tư với người khác.
Giờ đây thì chúng tôi cho thuê hẳn căn hộ lớn hơn, với nhiều phòng hơn tại San Diego. Hầu hết khách của tôi đến đây đều vì những mục đích đặc biệt như tham dự hội nghị, lễ hội. Chính vì vậy mà chả mấy khi họ xuất hiện ở nhà.
Các bạn thu về được bao nhiêu khi cho thuê nhà như vậy?
Ở càng ít ngày, lợi nhuận càng nhiều, công sức bỏ ra cũng tăng theo. Nếu chỉ ở một đêm, chúng tôi có thể kiếm được từ 200-300 USD, tùy khách, tùy thời điểm trong năm.
Nếu mướn theo tuần thì 200 USD một đêm. Thuê dài hạn theo tháng lại còn rẻ hơn, chỉ khoảng 100-200 USD mỗi đêm, tuy nhiên lại đỡ tốn thời gian và công sức so với ngắn hạn.
Trong trường hợp bạn có nhiều căn, tốt nhất nên kết hợp giữa cho mướn ngắn hạn (tăng lợi nhuận và số review trên Airbnb) và cho mướn dài hạn (tiết kiệm thời gian, công sức, thu nhập ổn định).
Khách thuê có thường khiến căn hộ của bạn lộn xộn?
Không biết có phải may mắn hay không nhưng đó chẳng phải điều đáng lo ngại với tôi. Phần lớn khách của tôi đều rất gọn gàng, tử tế. Thậm chí họ còn làm nhiều điều vượt qua cả mong đợi.
Họ tự đổ rác, rửa hết bát đĩa trước khi check-out. Đôi khi còn chi tiền thuê cả dịch vụ vệ sinh chuyên nghiệp hay trang trí lại căn hộ một chút.
Hãy kể về vị khách đáng nhớ nhất của bạn
À, đó chắc chắn là hai cô gái đến từ Canada. Vào lúc đó, vợ tôi đang mang thai, họ đã tặng cho cô con gái Aura chưa ra đời của chúng tôi một quyển sách. Sau này tôi vẫn luôn đọc cho con bé quyển sách đó vài lần mỗi tuần.
Độ tuổi khách của bạn là vào khoảng nào?
Nhiều người thường cho rằng khách hàng mục tiêu của họ là từ 20-30 tuổi. Trên lý thuyết là vậy nhưng thực tế khách thuê nhà của tôi từ 18 tuổi cũng có, gần 50 cũng có. Mỗi người mang lại cho bạn những trải nghiệm rất khác.
Mọi người đến thuê nhà của bạn với mục đích gì?
Dài hạn thì thường là đi công tác. Ngắn hạn thì có thể là tham dự hội nghị, lễ hội, sự kiện, hay chỉ đơn thuần là muốn thử sống ở một nơi khác biệt. Sống cùng chủ nhà chứ không phải lễ tân nhé.
Chủ thuê và khách liệu có trở thành bạn bè?
Điều đó tùy thuộc vào khả năng giao tiếp của bạn. Hầu hết, khách của tôi đến từ nhiều nơi trên thế giới. Giao tiếp là một trong những điều khá thử thách. Tất nhiên, cũng không phải khách nào cũng thích một chủ nhà nói quá nhiều, đặc biệt là về những điều họ không quan tâm.
Chính vì thế đừng ảo tưởng rằng mình có thể kết thêm nhiều bạn bè khắp năm châu khi làm chủ nhà. À, nhưng nếu có dịp đặt chân đến đất nước họ, chắc chắn tôi sẽ tìm vị khách đã từng thuê nhà của mình. Ít ra thì đó cũng là một mối quan hệ mới.

Tôi và vợ luôn xem việc trở thành host Airbnb như một niềm vui hơn là công việc. Bạn biết đấy, gặp nhiều người, những mối quan hệ mới, những câu chuyện mới sẽ khiến cuộc sống trở nên đầy màu sắc hơn.
Nếu có một lời khuyên cho những người mới tham gia cuộc chơi thuê nhà này thì đó chính là hãy kết hợp cho thuê cả ngắn hạn lẫn dài hạn. Mỗi hình thức đều có ưu nhược điểm riêng, áp dụng cả hai với tỷ lệ hợp lý sẽ vừa đem lại lợi nhuận vừa cho bạn thời gian để làm nhiều việc khác.

Thứ Sáu, 6 tháng 10, 2017

Bất động sản "lai" nở rộ, chủ đầu tư hưởng lợi khách hàng coi chừng rủi ro


Các hình thức BĐS lai được xem như một hình thức cải tiến sản phẩm của các chủ đầu tư, nhằm mục đích tạo ra một kênh dầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư.


Bất động sản "lai" nở rộ, chủ đầu tư hưởng lợi khách hàng coi chừng rủi ro
Các bất động sản “lai” đang dần trở thành điểm sáng trên thị trường bất động sản Việt Nam trong những năm gần đây. Hiện tại, trên thị trường có ba loại hình bất động sản “lai” – officetel (căn hộ văn phòng), condotel (căn hộ khách sạn) và hometel (nhà ở khách sạn).
Cụ thể, officetel là sản phẩm kết hợp giữa văn phòng và khách sạn với thời gian sở hữu 50 năm. Officetel thông thường nằm trong khối đế thương mại của dự án căn hộ. Từ năm 2014, thị trường bất động sản TP.HCM đã chào đón hơn 8.000 căn officetel.
Trên thị trường cho thuê, officetel có hai lợi thế - diện tích căn nhỏ hơn căn hộ và địa chỉ có thể đăng ký giấy phép kinh doanh, trong khi địa chỉ của căn hộ truyền thống không thể thực hiện tương tự. Bên cạnh đó, phí dịch vụ và phí quản lý của officetel thấp hơn trong các tòa nhà văn phòng. Khách thuê mục tiêu của loại hình này là các công ty start-up nhỏ và các khách thuê có ngân sách hạn chế.
Condotel là sản phẩm giao thoa giữa căn hộ và khách sạn với thời gian sở hữu 50 năm, trong khi đó, hometel với chức năng tương tự nhưng có thời gian sở hữu vĩnh viễn. Hai loại hình bất động sản này được quản lý theo hình thức quản lý tổ hợp khách sạn cao cấp và căn hộ dịch vụ đa sở hữu. Các chủ sở hữu có thể ở và tận hưởng các dịch vụ, tiện nghi, tiện ích nghỉ dưỡng bên trong dự án.
Các dự án condotel hâu hết tọa lạc tại các địa điểm dọc bãi biển hoặc các điểm đến du lịch và được điều hành bởi các nhà điều hành danh tiếng, trong khi đó các dự án hometel thưởng nằm trong các trung tâm thành phố - cụ thể là ở thị trường bất động sản Hà Nội và Đà Nẵng – và được điều hành bởi các chủ sở hữu.
Các hình thức BĐS lai được xem như một hình thức cải tiến sản phẩm của các chủ đầu tư, nhằm mục đích tạo ra một kênh dầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Tất cả các dự án loại hình này đều đạt tỷ lệ bán cao, phần lớn dự án được tiêu thụ toàn bộ số lượng mở bán trong sự kiện giới thiệu dự án.
Theo ông Ty Ga Nguyen, chuyên viên tư vấn & nghiên cứu thị trường, JLL Vietnam, bất động sản “lai” hấp dẫn với nhà đầu tư là bởi bất động sản “lai” được thiết kế, phát triển và quảng cáo đều nhằm vào mục đích mua-cho-thuê, cung cấp thêm một lực chọn đầu tư thay thế cho các nhà đầu tư muốn làm đa dạng danh mục đầu tư của họ. Thứ hai, các loại hình bất động sản này có đặc điểm diện tích nhỏ đòi hỏi khoản đầu tư thấp khiến cho các chủ đầu tư sẵn sàng mở rộng đầu tư.
Bên cạnh lợi ích và lợi nhuận từ bất động sản “lai” đem lại, đại diện JLL cũng cho biết các nhà đầu tư cũng đối mặt với các nhược điểm của loại hình này. Khung pháp lý cho các bất động sản “lai” vẫn chưa ổn định và còn nhiều lỗ hổng, có thể tạo nên rủi ro cho nhà đầu tư.
Ví dụ điển hình về officetel như sau, officetel cùng tồn tại chung với hạng mục căn hộ và có thể dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý dự án. Ngoài ra, các chủ đầu tư thường tận dụng khung pháp lý chưa ổn định để chuyển hạng mục thương mại trong dự án thành hạng mục officetel để thu hồi vốn nhanh. Trong trường hợp này, chủ đầu tư và nhà đầu tư đạt được lợi ích tối đa nhưng lợi ích của cư dân và khách thuê thì giảm bớt tương ứng với tiện nghi và tiện ích bị cắt giảm.
"Trong tương lai, nguồn cung bất động sản “lai” sẽ tiếp tục tăng. Do đó, thị trường bất động sản rất cần một khung pháp lý hoàn chỉnh cho loại hình này nhằm điều tiết thị trường một cách hợp lý nhất đảm bảo các chủ đầu tư hoài hòa lợi ích và cân bằng nhu cầu của cả người mua lẫn cư dân của dự án", ông Ty Ga Nguyen nhấn mạnh.

Thứ Ba, 3 tháng 10, 2017

Về quận 7 xem 8 lô đất bị siết nợ của đại gia Hoàn Cầu

8 lô đất có tổng diện tích trên 51.454m2 nằm trong khu dân cư Tân Thuận Tây (tại phường Tân Thuận, quận 7) do Công ty TNHH Hoàn Cầu (thuộc Tập đoàn Hoàn Cầu) làm chủ đầu tư đang bị VAMC cho thẩm định giá để thu hồi nợ.
Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) vừa thông báo tìm kiếm đơn vị thẩm định giá tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu nhóm Công ty cổ phần Hoàn Cầu tại Sacombank. Đây là khoản nợ mà VAMC đã mua lại của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).
 
Cụ thể, tổng nợ gốc của nhóm Công ty Hoàn Cầu là 2.400 tỷ đồng. Tổng lãi và phí là 177 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Cổ phần Hoàn Cầu Khánh Hòa có tổng dư nợ gốc là 1.300 tỷ đồng, tổng nợ lãi và phí hơn 84 tỷ đồng. VAMC đã mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt trị giá 1.300 tỷ đồng.
 
Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang có nợ gốc là 1.100 tỷ đồng, tổng nợ lãi và phí trên 93 tỷ đồng. VAMC đã mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt trị giá 1.100 tỷ đồng.
 
Tài sản đảm bảo cho khoản nợ trên của nhóm công ty Hoàn Cầu là quyền sử dụng đất của 8 lô đất có diện tích trên 51.454m2 nằm trong khu dân cư Tân Thuận Tây (tại phường Tân Thuận, quận 7) do Công ty TNHH Hoàn Cầu làm chủ đầu tư. 
 
Được biết, từ năm 2008, UBND TP.HCM đã có quyết định thu hồi khu đất 176.145m2 tại hai phường Bình Thuận và Tân Thuận Tây, Quận 7 của Công ty xuất nhập khẩu Nhà Bè, đồng thời giao khu đất có diện tích 143.620m2 trong diện tích đất thu hồi trên cho Công ty TNHH Hoàn Cầu để đầu tư xây dựng dự án hạ tầng kỹ thuật, xây dựng nhà ở khu dân cư Tân Thuận Tây.
 
Có mặt tại khu vực dự án ngày 3/10, sau 10 năm được triển khai phần lớn diện tích của dự án vẫn đang là những bãi đất trống, để mặc cỏ dại um tùm. 
 
Hạ tầng bên trong dự án cũng chưa hoàn thiện. Sau trận mưa lớn, những con đường trở thành bẫy với người đi đường bởi vô số ổ voi, ổ gà ngập nước. Nhiều đoạn đường chỉ mới trải lớp đá lớm chởm, sình lầy.
 
Điểm nhấn duy nhất của dự án là khu trường tiểu học đã hoàn thành và có học sinh vào học.
 
Ông Văn, một người dân tại đây cho biết, tình trạng nhếch nhách của dự án đã kéo dài suốt nhiều năm nay. Không chỉ hoang phí mà còn gây ảnh hưởng đến cuộc sống xum quanh vì đường xá nham nhở, những khu đất để cỏ mọc, trở thành nơi tập kết rác thải bừa bãi, mất vệ sinh.
 
Nằm mặt tiền đại lộ Nguyễn Văn Linh, một khu đất được quây tôn để triển khai dự án Diamond City cũng rất yên ắng. Được biết, đầu năm 2016 Diamond City ra mắt rộn ràng với quy mô hơn 14ha, tổng mức đầu tư trên 15.000 tỷ đồng. Chủ đầu tư quảng cáo đây Khu phức hợp dịch vụ thương mại và căn hộ cao cấp gồm: 6 tòa tháp căn hộ cao cấp cao 27-36 tầng; 2 tòa tháp trung tâm thương mại, dịch vụ cao 3 tầng và 38 tầng, khu cao ốc đa chức năng với 2 tòa tháp cao 20-30 tầng.
 
Tuy nhiên, hiện tại dự án vẫn chưa được triển khai, bên trong vẫn là bãi đất trống với một vài công nhân xuất hiện.
 
Theo nhiều môi giới bất động sản, khu đất của Hoàn Cầu khá đắc địa với vị trí nằm mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh, ngay nút giao dưới chân cầu Tân Thuận nối với quận 4 và vào trung tâm quận 1 qua đường Nguyễn Tất Thành. Mức giá bán của các dự án khu vực này trung bình dao động từ 40 triệu/m2 trở lên.
 
CafeLand ghi nhận hình ảnh tại dự án của Hoàn Cầu:
 
Về quận 7 xem 8 lô đất bị siết nợ của đại gia Hoàn Cầu
 
Hạ tầng bên trong dự án.
 
Về quận 7 xem 8 lô đất bị siết nợ của đại gia Hoàn Cầu
 
Những con đường sau một trận mưa.
 
Về quận 7 xem 8 lô đất bị siết nợ của đại gia Hoàn Cầu
 
Sau 10 năm triển khai dự án vẫn chưa có hình hài.
 
Về quận 7 xem 8 lô đất bị siết nợ của đại gia Hoàn Cầu
 
Phần lớn diện tích vẫn chỉ để cỏ mọc.
 
Về quận 7 xem 8 lô đất bị siết nợ của đại gia Hoàn Cầu
 
Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm.
 
Về quận 7 xem 8 lô đất bị siết nợ của đại gia Hoàn Cầu
 
Cỏ, rác, và ngập nước.
 
Về quận 7 xem 8 lô đất bị siết nợ của đại gia Hoàn Cầu
 
Nhiều hạ tầng được xây dựng dần xuống cấp.
 
Về quận 7 xem 8 lô đất bị siết nợ của đại gia Hoàn Cầu
 
Phía trước của dự án nghìn tỷ Diamond City.
 
Về quận 7 xem 8 lô đất bị siết nợ của đại gia Hoàn Cầu
 
Dự án từng được công bố có vốn đầu tư 15.000 tỷ năm 2016.
 
Về quận 7 xem 8 lô đất bị siết nợ của đại gia Hoàn Cầu
 
Nhưng bên trong hiện chỉ là bãi đất trống.
 
Về quận 7 xem 8 lô đất bị siết nợ của đại gia Hoàn Cầu
 
Một lối đi vào dự án hướng từ đường Nguyễn Văn Linh.
 
Về quận 7 xem 8 lô đất bị siết nợ của đại gia Hoàn Cầu
 
Ngôi trường tiểu học là điểm nhấn lớn nhất của dự án.
 
Về quận 7 xem 8 lô đất bị siết nợ của đại gia Hoàn Cầu
 
Công ty TNHH Hoàn Cầu là thành viên của Tập đoàn Hoàn Cầu, một trong những doanh nghiệp đầu tư mạnh vào bất động sản với hàng loạt dự án như Diamond City  (quận 7, TP.HCM ), chung cư cao cấp Cantavil Hoàn Cầu (quận Bình Thạnh, TP.HCM), Diamond Bay City (Nha Trang),…