BĐS - Những Con Đường Đầu Tư: Nguy Cơ Mất Trắng Khi Mua Đất Nông Nghiệp

Chủ Nhật, 17 tháng 9, 2017

Nguy Cơ Mất Trắng Khi Mua Đất Nông Nghiệp

Mất trắng 200 triệu vì mua nhà trên đất nông nghiệp


Cứ nghĩ mang giấy sở hữu đất của người bán đi hỏi cơ quan chức năng là đã an toàn thế mà tôi vẫn bị lừa, anh Toàn 40 tuổi, hiện sống tại Tp.HCM kể.

Dưới đây là chia sẻ của anh Hữu Toàn:
Năm 2009, tôi mua một ngôi nhà tại Bình Chánh, Tp.HCM (gần đường Nguyễn Văn Linh). Ngôi nhà này nằm trong cụm 5 ngôi nhà y hệt nhau. Dù chưa từng mua bán nhà đất nhưng tôi cũng biết là cần mang giấy tờ lên cơ quan địa chính của xã và huyện để hỏi xem nhà đất có thuộc dự án nào không và có bị tranh chấp không? Khi đã kiểm tra tất cả đều an toàn, tôi mới yên tâm trả một tỷ để sở hữu ngôi nhà rộng 80m2 gồm 1 trệt, 1 lầu. Đường trước cửa rộng 8m, đường vào nhà khá thông thoáng. Tôi thấy rất hài lòng khi mua ngôi nhà này. Nghe nói, trước kia, mảnh đất này là vườn cây của một gia đình, sau đó họ bán lại cho một tay chuyên mua đất, phân lô xây nhà rồi bán lại.
Khi mới đến ở được một tháng thì cơ quan chức năng đến thông báo nhà tôi không có giấy phép xây dựng, xây trên đất trồng cây lâu năm và buộc phải tháo dỡ. Lúc này, tôi vẫn chưa có tờ giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất mang tên mình, người bán vẫn đang làm thủ tục chuyển nhượng cho tôi. Mấy nhà bên cạnh cũng trong tình trạng tương tự. Chúng tôi xin cơ quan chức năng tạm thời chưa tháo dỡ để chúng tôi đi gặp người bán nhà hỏi cho ra nhẽ. Rõ ràng tôi đã từng được cầm tờ giấy chứng nhận chủ quyền của ngôi nhà.
mua bán nhà đất
Nên kiểm tra kỹ thông tin khi mua nhà đất
Khi gặp người bán nhà đất, ông ta nói với tôi rằng tờ giấy tôi mang lên phòng địa chính hỏi thực ra là giấy tờ của ngôi nhà thuộc mảnh đất khác, còn nhà chúng tôi đang ở không phải xây trên đất thổ cư mà xây trên đất trồng cây lâu năm. Ông ta nói, cò đất đã đưa nhầm bản photo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tôi. Ông ta vẫn đang chuyển từ đất nông nghiệp lên đất thổ cư và tạm thời sẽ đưa giấy viết tay cho chúng tôi.
Thực sự, lúc đó tôi đã có ý định kiện ông ta vì tội lừa đảo. Nhưng sau khi gặp luật sư tư vấn, tôi được biết tôi cũng có lỗi vì không đọc kỹ giấy tờ. Hợp đồng mua bán giữa ông ta và tôi ghi địa chỉ ngôi nhà tôi đang ở chứ không phải là ngôi nhà có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất kia...
Hơn nữa, tôi cũng từng kiện ông chủ Đài Loan của mình vì tội sa thải tôi sai luật định (không báo trước 30 ngày dù đã ký hợp đồng 3 năm và cũng không đền bù). Tôi mất một năm đi lại lòng vòng và đành bỏ cuộc vì ông ta đã về Đài Loan. Nếu muốn theo đuổi vụ kiện, tôi sẽ phải mất nhiều tiền để trả phí dịch và gửi thư tống đạt ra nước ngoài cho ông ta. Và nếu thắng kiện, số tiền này sẽ tương đương với số tiền mà tôi sẽ được đền bù, nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian.
Vì vậy nên khi đó, tôi cũng không thiết tha kiện tụng gì người đã bán nhà cho mình mà chỉ muốn giải quyết thật nhanh chóng. Tôi ở căn nhà đó thêm một tháng nhưng vẫn chỉ có tờ giấy mua bán viết tay. Để lấy tiền mua nhà nơi khác, tôi đành bán lại ngôi nhà cho chính người đã bán nhà cho tôi với giá rẻ hơn 200 triệu.
Sau này, khi mua nhà đất, tôi đều kiểm tra kỹ xem địa chỉ thực tế và địa chỉ trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có khớp nhau không. Tôi thấy có rất nhiều sổ đỏ chỉ ghi đại chỉ chung chung như tờ bản đồ địa chính số xyz, thửa đất số xyz, chỉ có tên phường (xã), quận (huyện) mà không ghi số nhà hay tên đường cụ thể. Nếu tin vào những thông tin chung chung này, bạn rất dễ nhầm lẫn và bị lừa một cách dễ dàng như tôi trước đây.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét