Với kỹ thuật in kỹ thuật số phát triển, việc sản xuất các loại giấy tờ nhà đất giả ngày càng tinh vi, bằng mắt thường khó có thể phân biệt. Vấn nạn giấy tờ giả cảnh báo người dân cần nâng cao cảnh giác, thận trọng trước những giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản…
Mất tiền tỷ vì sổ đỏ giả
Anh Nguyễn Văn Minh, một chủ hiệu cầm đồ ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) là một nạn nhân của vấn nạn giả mạo giấy tờ nhà đất. Anh Minh cho biết, cuối năm 2015, chị Nguyễn Thị T. ở quận Thanh Xuân đến hiệu cầm đồ của anh đặt 1 sổ đỏ mảnh đất 75m2 ở phường Quang Trung, quận Hà Đông (Hà Nội) lấy 1,2 tỷ đồng.
Quá hạn không thấy chị T. trả tiền, anh Minh mang sổ đỏ trên đến Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội – Chi nhánh Hà Đông để kiểm tra, phát hiện đó là sổ đỏ giả. Sổ đỏ thật đã được cấp cho bố mẹ chị T. từ năm 2006 và đã được bố mẹ T. tách thửa, bán một nửa mảnh đất cho người khác từ năm 2013. Hiện chiếc sổ đỏ giả đã được anh Minh gửi đến cơ quan Công an đề nghị điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo của chị Nguyễn Thị T.. Giám định sơ bộ, cơ quan giám định cho biết đây là sổ đỏ giả, được làm giả rất tinh vi.
Đây chỉ là 1 trong 12 vụ việc liên quan đến sổ đỏ giả được các đơn vị nghiệp vụ gửi trưng cầu giám định tới Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Hà Nội. Qua giám định đã phát hiện 16 sổ đỏ giả các loại, có phôi được sản xuất bằng phương pháp in màu kỹ thuật số, hình dấu in màu kỹ thuật số, chữ ký trực tiếp bằng cách tập ký nhiều lần cho thuần thục sau đó ký trực tiếp trên sổ đỏ giả nên nếu nhìn bằng mắt thường thì chữ kỹ giả khá giống với chữ ký thật. Cũng chính vì các đặc điểm làm giả tinh vi này nên nhiều cửa hàng cầm đồ cũng mắc bẫy đối tượng lừa đảo khi sử dụng sổ đỏ giả mang đi cầm cố, thế chấp vay tiền.
Nhận biết bằng cách nào?
Bằng nghiệp vụ giám định kỹ thuật hình sự, giám định viên tài liệu đã chỉ ra những đặc điểm phân biệt thật – giả như sau:
Kiểm tra bằng kính lúp: Sổ đỏ, sổ hồng thật được in bằng phương pháp in offset nên màu sắc sắc nét, màu mực đồng màu trên cùng một chi tiết in. Còn giấy tờ giả mạo do in màu kỹ thuật số nên chi tiết in không sắc nét, trên cùng một chi tiết in có nhiều hạt mực có màu sắc khác nhau.
Giấy chứng nhận giả: Các họa tiết, hoa văn màu hồng không được tạo bởi tổ hợp các chấm mực màu hồng.
Giấy chứng nhận thật: Các họa tiết, hoa văn màu hồng được tạo bởi tổ hợp các chấm mực màu hồng.
Dùng đèn pin (hoặc nguồn sáng khác): chiếu xiên một góc 10 – 20 độ với mặt giấy tại vị trí có hình dấu ở góc dưới bên phải của mặt trước Phần dấu nổi (ở góc dưới bên phải mặt trước sổ hồng) có mã số hiệu được đóng hoặc in vào chính giữa dấu nổi, được tạo ra bằng phương pháp in typo. Ở sổ hồng giả, mã số hiệu được tạo ra bằng phương pháp in màu kỹ thuật số nên mã số hiệu thường bị đóng lệch so với hình dấu nổi.
Giấy chứng nhận giả: Hình dấu được tạo bởi các chi tiết lõm và không rõ nội dung.
Giấy chứng nhận thật: Hình dấu được tạo bởi các chi tiết lồi và rõ nội dung.
Kiểm tra các vị trí có thể bị tẩy xóa cơ học:
- Số sổ.
- Số vào sổ quyết định.
- Loại đất.
- Thời hạn.
- Hình thức sử dụng.
- Diện tích (bằng số, bằng chữ).
Đối với các sổ có trang bổ sung cần kiểm tra phương pháp in của phôi trang bổ sung (in offset), dấu giáp lai của trang phụ lục với sổ (kiểm tra phương pháp đóng dấu), các vị trí của trang bổ sung có bị tẩy xóa hay không (chuyển quyền sử dụng đất, diện tích...). Nếu sổ đã thế chấp nhiều lần cần kiểm tra kỹ dấu, chữ ký của Văn phòng đăng ký nhà đất hoặc phòng tài nguyên và môi trường.
Trước tình trạng sổ đỏ, sổ hồng giả xuất hiện nhiều như hiện nay, cơ quan công an khuyến cáo người dân khi thực hiện mua bán nhà đất nên nộp hồ sơ mua bán tại các cơ quan có thẩm quyền để xác minh hiện trạng nhà đất, tính chính xác của giấy chứng nhận trước khi giao tiền, hạn chế rủi ro khi giao dịch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét