Giao dịch đất nền tại khu Đông đang có xu hướng chững lại để nghe ngóng thông tin từ thị trường, tuy nhiên động thái này không mấy ảnh hưởng đến giá đất tại các địa bàn “nóng”.
Trong khi nhà đất khu Tây như Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh sau cơn sốt bắt đầu có sự điều chỉnh giảm từ 200-500 triệu/nền, khu Đông lại hầu như chưa có biến động nhiều về giá. Sự vào cuộc của các cơ quan chức năng khiến giao dịch thị trường phần nào giảm nhiệt, tuy nhiên không vì vậy mà giá đất khu Đông có biến động mạnh.
Ông Đỗ Bình, một nhà đầu tư lâu năm tại khu Đông cho biết, thực chất cơn sốt đất vừa qua chỉ tác động mạnh lên loại hình đất thổ vườn tự do, với những nhà đầu tư chọn loại đất dự án như ông, tác động sau cơn sốt đất không nhiều. Không tham gia lướt sóng, tài chính lại ổn định nên ông Bình không lo lắng khi thị trường giảm nhiệt, càng không có ý định điều chỉnh hạ giá bán mà chọn cách chờ diễn biến tiếp theo khi thị trường hồi phục. Nhà đầu tư này cũng rất tự tin vào khả năng tăng giá trở lại của đất nền khu Đông.
Thực tế cho thấy, không chỉ ông Bình mà khá nhiều nhà đầu tư thứ cấp nắm trong tay quỹ đất lớn tỏ ra tự tin vào thị trường và không vội bán tháo khi giao dịch giảm nhiệt. Vì vậy, dù cơn sốt đất nền đã qua, giá đất tại các địa bàn “nóng” như quận 2, quận 9, Thủ Đức… hầu như không giảm là bao.
Khảo sát một số điểm nóng về giao dịch đất nền tại quận 9 cho thấy, số lượng sản phẩm rao bán cắt lỗ khá ít, loại hình đất thổ vườn giảm nhẹ, đất dự án gần như không giảm. Cụ thể, đất thuộc khu vực vòng xoay Phú Hữu (quận 9) vẫn rao bán giá 23-25 triệu/m2. Giá đất trong dự án trên tuyến Liên Phường (Phước Long B, quận 9) dao động từ 22-23 triệu/m2. Đất quanh khu vưc dự án khu nhà ở Đại học Bách Khoa giá vẫn giữ mức 19-25 triệu/m2.
Tìm hiểu giá bán tại một số lô đất khu vực Lò Lu, Nguyễn Xiển, Bưng Ông Thoàn, Trường Lưu, giá đất tại các dự án vẫn giữ nguyên mức 25-30 triệu/m2, đất thổ cư giá từ 38-45 triệu/m2, hầu như không có biến động. Một vài nền đất thụt sâu vào phía trong thì treo biển giảm nhẹ tầm 50-80 triệu/nền (diện tích tầm 70-100m2). Đây được xem là mức giảm “cho có” vì trước đó khu vực này tăng từ 200-300 triệu/nền so với giá bán gốc cuối năm 2016. Nhiều nền đất quanh khu vực Nguyễn Duy Trinh, Đỗ Xuân Hợp rao bán với giá giảm tầm 1-1,5 triệu/m2, mức giảm không đáng là bao so với mức tăng 3-4 triệu/m2 thời điểm sốt đất trước đó 1 tháng. Giá đất nền tại đường Trường Lưu cũng không có thay đổi, hiện dao động từ 17-24 triệu/m2 tùy vị trí.
Giá đất nền khu Đông không có dấu hiệu giảm sau cơn sốt đất. Ảnh minh họa. Nguồn: internet |
Môi giới các sàn tại quận 9 cho biết, nếu ở các cơn sốt đất trước, sau khi thị trường có “động” là nhà đầu tư vội bán tháo để chạy trốn thì cơn sốt lần này, giới đầu tư chỉ tạm ngừng giao dịch chờ thông tin mới chứ không vội bán cắt lỗ. Vậy nên giá bán mới không có biến động lớn. Một vài khu đất cắm biển “bán cắt lỗ” thì phần nhiều là do cò đất điều chỉnh giá lại cho “bớt ảo” và trở về với mức chung của thị trường. Thậm chí nhiều môi giới còn khai khống giá trước đó để thuận thế cắt giá mạnh khiến người mua cảm giác là chủ đất bán cắt lỗ thật. Ví như một nền đất 200m2 tại khu vực đường Dương Đình Hội, giá bán thật vào tầm 23-25 triệu/m2 nhưng môi giới lại khai khống là chủ đất mua vào giá hơn 30 triệu/m2 rồi cần bán gấp cắt lỗ xuống còn 24 triệu/m2. Cả tuyến đường này đều được chào bán cắt lỗ kiểu này nên nếu người mua chưa có sự hiểu biết về thị trường, rất dễ rơi vào “bẫy” cắt lỗ sau cơn sốt.
Loại hình đất thổ vườn - tâm điểm của cơn sốt đất được nhận định là sẽ điều chỉnh mạnh nhất, thực chất cũng không biến động nhiều. Cụ thể, đất thổ vườn khu vực Long Thạnh, Long Phước, Lã Xuân Oai, ngã ba Lò Lu …giá vẫn giữ tầm 7,5-18 triệu/m2, gần như nguyên mức giá trước đó 1 tháng.
Nguyên nhân khiến giá đất sau cơn sốt không nhiều biến động là do giới đầu tư vẫn tự tin vào khả năng tiêu thụ và tăng giá của nhà đất khu Đông. Đất khu Đông tăng mạnh không chỉ là tăng ảo mà phần nhiều là tăng theo hạ tầng, tăng do nhu cầu mua cao và quỹ đất ngày một khan hiếm. Không chỉ có đất mà loại hình căn hộ chung cư tại đây giá bán cũng tăng rất mạnh thời gian qua. “Chính vì vậy khi cơn sốt đi qua, giới cò đất, dân lướt sóng có thể lo sợ nhưng nhà đầu tư chân chính thì vẫn có nhiều niềm tin vào thị trường”, anh Phạm Thanh Hiếu, một nhà đầu tư đất nền quận 9 chia sẻ.
Không chỉ nhà đầu tư mà cả giới chuyên môn cũng nhìn nhận, sẽ không có chuyện giá đất khu Đông giảm mạnh sau khi cơn sốt đi qua. Chuyên gia BĐS Phan Công Chánh cho rằng, thị trường hiện chỉ đang tạm nghỉ để chờ đợi những cơn sóng mới, rất có thể sẽ tiếp tục bùng nổ vào các tháng cuối năm. Về dài hạn, giá bán phân khúc đất nền sẽ còn tăng do khu Đông đang có những chuyển biến mạnh về hạ tầng, quy hoạch, nhiều siêu dự án triển khai và yếu tố chính là quỹ đất khu này ngày càng khan hiếm nên khó có thể giảm giá.
Cùng quan điểm trên, ông Ngô Quang Phúc – Phó tổng giám đốc Him Lam Land cho rằng, nhà đầu tư không nên có tâm lý chờ đợi đất nền sẽ giảm giá mạnh sau cơn sốt. Thực tế, chỉ ở một vài loại hình đất tự do, thuộc một số khu ngoại thành là sốt ảo, còn lại nhiều khu vực phía Đông, đất tăng giá mạnh phần nhiều do sự phát triển về hạ tầng, quy hoạch và quỹ đất đẹp. Ở những khu vực đó, giá đất sẽ rất khó có chuyện giảm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét