TP.HCM: Nếu muốn mua được nhà tốt hãy đợi mưa thật lớn
Trong hai ngày vừa qua, những trận mưa nặng hạt kéo dài gần 4 giờ đồng hồ đã làm mọi hoạt động sinh sống, đi lại và kinh doanh của người dân trên địa bàn TP.HCM hầu như tê liệt. Nhiều chủ đầu tư dự án BĐS than thở kế hoạch bán hàng của họ bị ảnh hưởng rất nghiệm trọng vì người mua nhà lo ngại đến với các dự án ở vùng bị ngập nặng...
Các báo cáo cho thấy, số tiền mà TP.HCM bỏ ra chống ngập trong 10 năm (từ 2005-2015) lên đến 24 nghìn tỉ đồng thực hiện các dự án chống ngập như nạo vét, cải tạo kênh rạch, xây dựng hệ thống thoát nước. Trong đó, vốn ngân sách khoảng 9.000 tỷ đồng, vốn ODA khoảng 15.000 tỷ đồng.
Dự kiến trong năm năm tới, bình quân mỗi năm thành phố phải bố trí khoảng 4.250 tỷ đồng để chi trả nợ gốc và lãi vay các dự án trên địa bàn. Hiện nay, trong tổng số 56 dự án chống ngập trên các tuyến đường thường xuyên bị ngập thì đã có 8 công trình thi công xong từ năm 2015, 12 công trình thi công trong năm nay và 3 công trình đến năm 2017 sẽ hoàn thành.
Theo đó, năm 2017, sẽ hoàn thành các công trình như cải tạo tuyến mương Nhật Bản (từ sân bay Tân Sơn Nhất đến đường Nguyễn Kiệm), cải tạo hệ thống thoát nước khu vực Quốc lô 13 – Đinh Bộ Lĩnh – Nguyễn Xí – Ung Văn Khiêm, làm hệ thống thoát nước đường An Dương Vương (từ cầu Mỹ Thuận đến bến Phú Định)...
Ngoài ra, một dự án đang được kỳ vọng sẽ làm giảm ngập cho khu vực rộng tới 550km2 thuộc 13 quận trung tâm chính là 6 cống ngăn triều và một tuyến đê bao sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến sông Kinh.
Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước (thuộc Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP.HCM) cho biết, trước năm 2000, công tác chống ngập ở thành phố chưa được quan tâm. Thời điểm đó, thành phố chỉ xây dựng hệ thống thoát nước ra các kênh rạch. Đến nay, đã thi công được khoảng 3.000m cống (tương đương với 50% khối lượng cống cần làm). Còn về kênh rạch, hầu như chưa được cải tạo. Đến năm 2007, triều cường dâng cao cộng với mưa lớn đã làm cho thành phố ngập nước nghiêm trọng (triều dâng 1,5m so với 1,32m của đỉnh triều trước năm 2000).
Tuy nhiên, tình hình ngập úng tại TPHCM vẫn không hề suy giảm. Một cơn mưa kéo dài hơn 1 giờ vào chiều 26-27/9 đã làm nhiều tuyến đường chìm trong biển nước. Đặc biệt là tại nhiều tuyến đường chính của một số quận khu vực trung tâm như quận 3, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh, quận 5... mọi hoạt động đi lại đều bị "chôn chân tại chỗ".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, TP.HCM đang bước vào cao điểm cuối mùa mưa, do vậy tại nhiều chung cư cao tầng cũng đã có sự chuẩn bị tinh thần từ trước bằng việc ngăn không cho nước tràn vào các tầng hầm để xe. Một số chủ đầu tư đã tăng cường nhân lực, máy bơm nước, máy phát điện mỗi khi trời mưa nhằm gây thiệt hại lớn đến tài sản của cư dân.
Tuy nhiên, theo một số chủ đầu tư đối với những dự án đang triển khai thì việc đầu tư này khá lớn, tiến độ dự án sẽ bị chậm đi rất nhiều do mưa kéo dài nhiều ngày. Từ đó, một số kế hoạch của chủ đầu tư buộc phải thay đổi, đặc biệt nhất là các sự kiện mở bán. Một chủ đầu tư tại quận Tân Bình lý giải rằng do mưa to không khách hàng nào đến dự, một phần nữa nếu người mua nhà thấy tình trạng ngập nặng thế này thì sẽ không ai dám mua nhà.
Thật vậy, chúng tôi đã tìm hiểu từ nhiều khách hàng có ý định tìm mua nhà tại quận Bình Thạnh, được biết họ đều lắc đầu và ngao ngán khi nói đến cảnh ngập ở nhiều tuyến đường lớn trên địa bàn quận. Điển hình nhất, một khách hàng cho biết tính mua nhà ở của một dự án nằm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh nhưng mấy ngày qua tận mắt chứng kiến cảnh người dân "bơi" trong biển nước như thế nên họ có ý định từ bỏ.
Hay như tuyến đường Âu Cơ, quận Tân Bình, hiện có 5 dự án chung cư cao cấp đang được xây dựng. Tuy nhiên, dù các dự án ở đây đều được đầu tư bài bản, chính sách hậu mãi hấp dẫn nhưng khách hàng vẫn sợ nhất là con đường này luôn bị ngập nặng mỗi khi mưa lớn xuất hiện.
Đại diện một công ty phân phối BĐS cho biết, hiện nhiều người mua nhà rất quan tâm đến việc dự án có khả năng bị ngập lụt hay không. Vì nếu dự án dễ bị ngập lụt, không chỉ cuộc sống bị ảnh hưởng, mà tài sản của cư dân cũng bị thiệt hại.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, có lần nói vui rằng cách đây khoảng hai năm, khi đưa ra lời tư vấn cho người mua nhà thì ông khuyên rằng khách hàng nên tìm nhà để mua vào mùa mưa và ngay khi cả triều cường lên xuống. Bởi theo lý giải của ông Châu, đây là thời điểm khách hàng có thể đánh giá được chất lượng hạ tầng giao thông xung quanh dự án chung cư này.
Song song đó, để thêm tính hiệu quả khi quyết định mua nhà, khách hàng hãy "đảo" quanh dự án vào những giờ tan tầm, giờ cao điểm để đánh giá được mật độ lưu thông của những con đường bao quanh dự án.
Theo Trí thức trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét